Ý nghĩa huy hiệu Việt Y Đạo

Mỗi dân tộc, mỗi quốc gia đều có biểu tượng riêng như Pháp chọn con gà trống làm biểu tượng, Nhật cho mình là con cháu của Thái Dương Thần Nữ và chọn hoa cúc làm biểu tượng, Việt Nam cho mình là con Rồng cháu Tiên và chọn hoa sen hoặc cây tre làm biểu tượng …
Về y học mỗi môn phải chọn cho mình một biểu tượng riêng, có người thì vẽ vòng thái cực có cây kim xuyên thẳng ở giữa vòng thái cực, có người lại vẽ thêm lá thuốc cứu …

VIỆT Y ĐẠO CHỌN BIỂU TƯỢNG NÀO?


Như các bạn đã thấy Việt Y Đạo chọn biểu tượng VUÔNG TRÒN ở ngoài và HÌNH NƯỚC VIỆT NAM ở trong. Trong viền có chữ Việt Y Đạo và tên tác giả của trường phái. Giữa hai dòng chữ là HÌNH ĐÓA HOA SEN TÁM CÁNH. Tất cả biểu tượng gồm có 5 màu: đỏ, xanh, vàng, cam, trắng.

VUÔNG TRÒN tượng trưng cho Âm Dương.

Đây là nét đặc thù của Việt Nam khi diễn tả về Âm Dương, khác hẳn với Trung Hoa có biểu tượng là vòng thái cực với nửa đen nửa trắng tượng trưng cho Âm Dương, tiếp giáp nhau bằng nét uốn lượn hình chữ “S” ở giữa.
Biểu tượng Âm Dương bằng khái niệm vuông tròn thật ra có từ thời xa xưa và được nhân dân ta cụ thể hóa bằng bánh dầy (hình tròn tượng trưng cho Dương, Trời), bánh chưng (hình vuông tượng trưng cho Âm, Đất). Và sự tích bánh dầy, bánh chưng đã được kể rõ trong sách Lĩnh Nam Chích Quái. Ngoài ra trong văn học dân gian cũng có câu như: “Mẹ tròn con vuông – Trăm năm tính cuộc vuông tròn…” nói lên ý thức về Âm Dương, nhận thức về sự biến dịch của Trời Đất đã ăn sâu vào tâm thức con người Việt Nam dưới dạng Vuông Tròn.


Cho nên tôi vẽ biểu tượng Việt Y Đạo có hình vuông tròn là để nói lên khái niệm về Âm Dương theo kiểu Việt Nam, chứ không lập lại theo kiểu Trung Hoa. Kế đến tôi khám phá thấy một điều trùng hợp lạ lùng là nước Việt Nam ta có dạng chữ “S” mà đảo Hải Nam có thể coi như điểm Thiếu Dương vẫn thường được các nhà lý học Trung Hoa vẽ trong đồ hình Thái cực của họ. Cũng như Biển Hồ có thể coi như điểm Thiếu Âm trong Thái cực đồ và tất nhiên hình chữ “S” của nước Việt Nam ta có thể coi như đường tiếp giáp chữ “S” giữa hai khối Âm Dương trong Thái cực đồ mà chúng ta vẫn thường thấy trong Đông Y và Kinh Dịch. Như thế rõ ràng là trong Dương có Âm (trong đất liền có biển) và trong Âm có Dương (trong biển có đất liền).

Đây là một điều rất lạ mà có lẽ ngoài tôi ra còn có không ít người Việt khi nghiên cứu về Kinh Dịch hay Đông Y cũng thấy. Có điều là chưa ai có ý thức vẽ ra biểu tượng như tôi mà thôi (hoặc có thể có mà khác biểu tượng tôi đã vẽ).

Vẽ biểu tượng này tôi muốn nói lên sắc thái đặc thù của trường phái y học Việt Nam cũng như gợi ý cho các bạn suy nghĩ về vị trí và hình dạng của nước Việt Nam trên thế giới. Tại sao lại giống thái cực đồ đến thế? Nó có ý nghĩa gì chăng?

Bên cạnh đó tôi có vẽ thêm hình HOA SEN 8 CÁNH tượng trưng cho tinh thần “sắc không” của Phật giáo, một cách gián tiếp cũng nói lên sự BIẾN DỊCH CỦA CÁC ĐỒ HÌNH trong phương pháp Diện Chẩn, “KHÔNG” MÀ “CÓ” và ngược lại. Tám cánh tượng trưng cho bát chánh đạo hoặc bát quái (nếu đặt nó trong phạm trù Âm Dương – Ngũ Hành – Bát Quái).

Và dĩ nhiên biểu tượng phải có 5 màu tượng trưng cho Ngũ Hành mà hai màu chính là xanh (màu của biển Đông, ở phía bên phải của biểu tượng, tượng trưng cho Âm) và màu đỏ ở phía bên trái của biểu tượng, tượng trưng cho Dương.

Dù sao biểu tượng vẫn chỉ là biểu tượng, tức là một hình ảnh dùng để diễn tả những nét đặc trưng của một vật thể mà thôi. Nó có tính khái quát. Do đó cũng mong rằng ai đó đừng coi đây là một bản đồ địa lý hay chính trị. Thật ra khi vẽ biểu tượng này tôi chỉ muốn nhấn mạnh sự trùng hợp đến kỳ lạ giữa hình dáng nước Việt Nam với Thái cực đồ và đồng thời cũng muốn nói lên sự khác biệt trong cách thể hiện Âm Dương (bằng hình vẽ) giữa Việt Nam và Trung Quốc.

Biểu tượng Diện Chẩn-Điều Khiển Liệu Pháp đã có trước đây (được tôi vẽ từ năm 1985) cũng tương tự như biểu tượng Việt Y Đạo, tức là được bao bọc bằng hai hình vuông tròn lồng vào nhau tượng trưng cho Âm Dương không hề chia cách. Bên trong là hình vẽ đôi nam nữ, cũng tượng trưng cho Âm Dương trong vị trí đối giao. Trong viền của vòng tròn có vẽ hình hoa sen 5 cánh tượng trưng cho Ngũ hành.

Tôi mong rằng các bạn hài lòng với biểu tượng Việt Y Đạo cũng như Diện Chẩn-Điều Khiển Liệu Pháp và kể từ đây sẽ hiểu rõ hơn về hai biểu tượng này để có thể trình bày cho người ngoại quốc và những người chưa hiểu về trường phái của chúng ta.

Biểu tượng còn ghi tên tôi ngoài tên phương pháp và trường phái. Có người thắc mắc tại sao lại đề tên tôi vào và cho là tôi có óc cá nhân chủ nghĩa. Thật ra tôi đã suy nghĩ rất nhiều khi cân nhắc kỹ tôi mạnh dạn ghi tên mình vào hai huy hiệu trên vì những lý do sau đây:

  1. Xưa nay gần như cả thế giới khi nói về y học cổ truyền Việt Nam đều cho là y học dân tộc cổ truyền của chúng ta cũng giống như y học của Trung Hoa (Trung Y) hoặc ít nhất cũng xuất phát từ Trung Y chứ không khác gì, trong khi Diện Chẩn là do tôi, một người Việt Nam sáng tạo chứ không phải của Trung Hoa hay xuất phát từ Trung Y. Do đó đề tên tôi, tác giả của phương pháp chính là một cách gián tiếp nói lên chủ quyền của Việt Nam trong phương pháp này và cũng để cho trên thế giới khi nghiên cứu về y học Việt Nam khỏi hiểu lầm đây là cũng là một phương pháp xuất xứ từ Trung Y.
  2. Đối với thời đại ngày nay hễ người nào tìm ra phương pháp gì mới, việc gì mới, công cụ mới thì đều có quyền ghi tên mình vào (tương tự như ghi tên tác giả, trên bìa sách của mình viết ra), miễn là đừng ghi tên mình vào cái đánh cắp của người khác. Ngoài ra ghi tên mình cũng có nghĩa là chịu trách nhiệm về phương pháp của mình (đồ dỏm ít ai dám ghi tên tác giả hoặc nơi làm ra sản phẩm). Đôi điều bộc bạch để các bạn hiểu tôi và nhất là hoài bão của tôi luôn muốn làm một cái gì cho Việt Nam, cho Dân tộc, Tổ quốc ta.

Nguồn: Bùi Quốc Châu (7/1996). Tìm hiểu phương pháp chữa bệnh bằng Diện Chẩn.

Tham khảo thêm các lớp học Thầy Thuốc Tự Thân trên webstie: www.thaythuoctuthan.com

TƯ VẤN TỪ A-Z VỀ DIỆN CHẨN ☎️ Hotline: 098 567 2660 - 0936 80 2660

Bài viết cùng danh mục